Cá quả (cá lóc) là giống cá nước ngọt có trọng lượng lớn, thịt ngon, được nhiều người trên thị trường ưa chuộng. Nếu áp dụng đúng kỹ thuật nuôi cá quả, thì chỉ sau từ 4 – 6 tháng bà con đã có thể thu hoạch. Và cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các mô hình nuôi trồng khác.
Giới thiệu về cá quả
Cá quả hay còn được gọi với tên địa phương ở miền Trung là cá lóc, thuộc giống cá quả. Hiện nay ở Việt Nam ta thường được nuôi các loại cá quả như: cá chuối(Opiocephalus macalatus), cá lóc đầu nhím, cá lóc bông và cá lóc môi trề. Cá chuối thường được sống ở miền Bắc bởi thích nghi tốt với nhiều điều kiện khí hậu. Còn cá lóc bông chỉ sống ở các vùng nước sâu như: sông, kênh rạch, ngòi, các hồ nuôi rộng lớn ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Đặc điểm sinh học
Đặc điểm:
Cá quả có thân hình nhiều vân đen, màu hơi vàng đen, trọng lượng của những con cá trưởng thành nằm khoảng 2,5kg. Đuôi cá thuôn dài, sờ vào hơi chắc. Dựa vào các đặc điểm này, người chăn nuôi có thể phân biệt được với những loại cá quả nhập từ Trung Quốc. Cá nhập từ Trung sẽ có thân hình tròn, đầu dài và màu đen đặc. Cá quả là loài cá dữ, háu ăn, miệng rộng, chúng có thể ăn được nhiều con vật nhỏ từ nòng nọc, cá con, ếch nhái,…
Sinh trưởng:
Đánh giá chung, thì cá quả sẽ thích nghi tốt với môi trường sống có mực nước sâu trên 1m với diện tích nuôi rộng. Vào những mùa thời tiết hơi nóng thì cá quả sẽ thích sống ở tầng mặt, nếu nuôi trong ao hay hồ có lục bình, cỏ dừa thì cá sẽ trú ngụ bên dưới những tảng lá đó. Nên duy trì độ pH trong nước với mức 7 – 8,5, và là loài cá có thể sống trong môi trường nước lợ với độ mặn khoảng nhỏ hơn 5‰.
Cá quả có thể sống trong môi trường có hàm lượng oxy hòa tan thấp, bởi chúng có cơ quan hô hấp phụ. Và cũng nhờ cơ quan hô hấp phụ mà khi bắt lên vài giờ cá vẫn có thể sống. Nhưng, hàm lượng oxy hòa tan phải đạt yêu cầu >3mg/lít, và nếu nhiệt độ môi trường xuống dưới 15 độ C thì cá sẽ bị chết cóng. Vậy nên nhiệt độ phù hợp để nuôi cá là từ 20 – 30 độ C.
Đặc biệt hơn, cá quả là giống cá có tài nhảy cao, vào những mùa mưa lớn khi đang bơi theo dòng chảy hay đang bị rượt đuổi mà đột nhiên bị chặn lại. Thì chúng sẽ nhảy vượt khỏi bờ, thậm chí chúng nhảy cao qua đầu người lớn.
Hiện nay có rất nhiều mô hình nuôi cá quả phổ biến, như: Nuôi trong ao, trong bè, trong bể xi măng hay trong vèo.
Kỹ thuật nuôi cá quả
Chuẩn bị:
Nuôi trong ao:
- Diện tích nuôi phù hợp từ 500 – 1.200m2.
- Hình dáng: thường là xây ao hình chữ nhật, hoặc cũng có thể tùy thuộc vào diện tích đất cả từng gia đình.
- Độ sâu: 1,5 – 2m.
- Vị trí: Ao nuôi cần gần nguồn nước sạch để thuận tiện trong quá trình thay nước, cải tạo ao nuôi. Xung quanh khu vực ao nuôi nên để thông thoáng, có nhiều ánh sáng chiếu vào để kích thích cá phát triển tốt nhất. Ao nuôi phải thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý.
- Bờ ao: Phải xây dựng chắc chắn, kiên cố, không có hang hốc, lỗ, không bị sạt lở hoặc dễ sạt lở. Cần quây lưới hoặc đóng hàng cọc hàng rào xung quanh, để tránh tình trạng cá nhảy vượt ra khỏi ao.
Để thuận tiện trong quá trình thay nước, ao cần bố trí 2 ống cống cấp thoát nước riêng biệt. Đáy ao hơi nghiêng về phía cống thoát nước, với độ nghiêng khoảng 3 – 5%.
Đối với ao cũ đã từng nuôi các loại thủy sản khác, bà con cần tiến hành cải tạo ao trước khi thả cá quả. Cách cải tạo:
- Nạo vét đáy bùn dày 15 – 20cm
- Vệ sinh, phát cỏ xung quanh bờ, kiểm tra xem có hang hốc hay không, đắp lại bờ ao.
- Bón vôi vào đáy ao để cải tạo, bón 7 – 10kg vôi/100m2. Sau khi bón, cho phơi đáy 2- 3 ngày sau đó mới cho nước vào.
- Bón phân để gây màu cho nước, sử dụng 5 – 10kg phân chuồng + 3 – 4kg phân NPK cho 1000m2 ao.
Đối với ao mới đào cũng cần cải tạo trước khi thả cá.
- Sau khi đào nên cho ngâm nước trước và tiến hành tháo – cấp nước 2- 3 lần để rửa phèn.
- Bón vôi cải tạo ao mới. Nếu độ pH trên 4,5 thì bón 7 – 10kh vôi bột/ 10om2, nếu pH dưới 4,5 thì bón 10 -15kg vôi/100m2. Nên phơi đáy ao từ 2 – 3 ngày sau đó cho nước vào ao.
- Bón phân gây nước màu: Sử dụng 10 – 15kg phân chuồng + 4 – 6kg phân NPK cho 1000m2 ao.
Nuôi trong bể xi măng:
Ngoài nuôi trong ao đất, thì mô hình nuôi cá quả trong bể xi măng cũng được nhiều nông dân áp dụng để khắc phục các nhược điểm. Như: diện tích, thuận tiện trong khâu quản lý & chăm sóc, thay nước, hay phòng trừ dịch bệnh và thu hoạch. Thời gian nuôi trong bể xi măng sẽ được rút ngắn hơn, cá sinh trưởng tốt và lớn nhanh, chất lượng cá đồng đều nên giá bán cũng ổn định, dễ thu hồi vốn nhanh.
Như nông dân Nguyễn Hồng Bình tại xã Quảng Cư, Thanh Hóa, chỉ với 500m2 đất vườn. Ông đã xây bể xi măng nuôi cá chuối. Với số vốn đầu tư mua giống là 50 triệu đồng, đến nay mỗi vụ ông đã thu được hơn 20 tấn cá, và bán ra với giá 60.000 đồng/kg, sau 6 tháng thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Đặc biệt, hiện nay mô hình nuôi cá quả trong bể xi măng đang phát triển mạnh ở các huyện thuộc Nghệ An, giúp nhân dân thoát được khó khăn và vươn lên làm giàu.
Bà con có thể xây bể nửa nổi nửa chìm để giảm chi phí.
- Diện tích: 40 – 60m2 hình vuông hoặc hình chữ nhật.
- Tường gạch nên xây cao từ 0,8 – 1m, trong đó từ trên cao 0,5m láng xi măng trơn để cá không nhảy được và không làm xây xước cá.
- Xung quanh tường quây bằng lưới hoặc cắm cọc.
- Đáy bể nên trán láng xi măng trơn, nghiêng 3 – 5 độ để dễ thay nước.
Nuôi trong vèo:
Ngoài 2 kỹ thuật nuôi trên, bà con cũng có thể áp dụng mô hình nuôi cá chuối trong vèo, giai. Diện tích mỗi vèo rộng khoảng từ 10 – 30m2, độ sâu từ 1,5 – 2,5m. Vèo cần được làm chắc chắn, sử dụng lưới hoặc cước, chọn sợi lưới 3,6 ly, kích thước lỗ lưới 2,5cm. Bên ngoài nên đóng cọc chắc chắn để buộc vèo. Vèo đặt trên ao, cách đáy khoảng 50cm.
Ưu điểm khi nuôi cá quả trong vèo: có thể nuôi cá quả với mật độ cao, nguồn thức ăn tập trung nên sẽ thuận tiện hơn. Ngoài ra, cá cũng không bị cọ xát vào đáy ao, đặc biệt tỷ lệ hao hụt thấp, ít bệnh, dễ dàng trong việc quản lý, chăm sóc và thu hoạch.
Thả cá giống
Mùa vụ:
- Vụ 1: Thả cá giống vào khoảng tháng 4 – 5 âm lịch, thu hoạch vào tháng 8 – 9 âm lịch.(Đây là mùa vụ thích hợp nhất).
- Vụ 2: Thả cá giống vào khoảng tháng 8 – 9, thu hoạch vào tháng 12 sang tháng giêng năm sau.
- Vụ 3: Thả cá vào tháng giêng đến tháng 7. Tuy nhiên ở thời điểm này thả cá thì cá sẽ chậm lớn hơn 2 vụ trên.
Chọn cá giống:
- Chọn cá quả có kích thước đồng đều, trọng lượng đạt khoảng 200g/con, thân cá dài từ 8 – 10cm thì cá sẽ nhanh lớn. Hoặc cũng có thể chọn giống cỡ 50 – 100g/con, thân dài từ 3 – 4cm.
- Chọn đàn cá khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, không bị trầy xước, lanh lẹ, không bị trầy xước. Đặc biệt trước khi thả cá giống xuống ao cần để cá làm quen với môi trường nước bằng cách ngâm túi chứa xuống nước 10 – 15 phút, sau đó mở túi từ từ.
- Nên tắm cá trước qua nước muối pha loãng, liều lượng 20 – 30g/ lít trong 3 – 5 phút để sạch bệnh, ký sinh trùng. Và nên thả cá quả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Mật độ thả:
Nuôi trong ao đất (con/m2) | Nuôi bè (con/m2) | Nuôi trong vèo (con/m3) |
20 – 35 | 80 – 150 | 80 – 100 |
Khi nuôi trong ao đất, bà con có thể thả thêm các loại cá: cá chép (1 con/m2), mè trắng (1 con/2m2) hoặc rô đồng (3- 5 con/m2)… Bởi các giống cá này không tranh giành thức ăn với cá quả, lại sinh sản nhanh nên tạo được nguồn thức ăn phong phú cho cá quả. Và sau thời gian cá lớn thì nên giãn bớt cá ra để đủ không gian sống của chúng.
Chăm sóc và quản lý
Chăm sóc:
Cá quả là giống cá có thân hình lớn, bộ răng sắc bén, phàm ăn nên nguồn thức ăn phong phú.
Nguồn thức ăn:
- Thức ăn từ tự nhiên: Động vật phù du, rô, lươn, tôm tép, chép, diếc, sặc bướm, trê, cua đồng, ếch nhái, cá tạp… tất cả những con mồi vừa miệng chúng.
- Thức ăn nhân tạo: Các loại cám viên để đáp ứng nhu cầu thức ăn hằng ngày cho cá. Trong cám viên, phần lớn là đạm động vật, còn một phần nhỏ là đạm thực vật.
- Đạm động vật: cá tạp, cua, tôm, ốc bươu vàng, phế phẩm lấy từ các lò mổ…
- Đạm thực vật: bột gạo, cám tấm gạo, bột ngô, các loại cây họ đậu, khoai, sắn, củ quả các loại.
Cách chế biến thức ăn cho cá quả nhanh lớn:
Để cá có thể nhanh lớn, thì đối với các nguồn thức ăn tươi sống như: cá tạp, cua đồng, bà con nên dùng máy cắt cá hoặc máy nghiền cua ốc để làm nhỏ thức ăn.
Còn đối với cách tự sản xuất cám viên nuôi cá chuối là sử dụng máy băm nghiền đa năng, để nghiền nhỏ tất cả nguyên liệu, sau đó trộn lại với nhau theo tỉ lệ thích hợp để ép thành cám viên.
Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong khi nuôi, và hạn chế tối đa các công đoạn thay nước, bà con nên tham khảo sử dụng máy ép cám viên nổi để làm thức ăn cho cá. Cám viên sau khi ép sẽ nhuyễn hoàn toàn và tự nổi được trên mặt nước. Như vậy, cá sẽ dễ ăn hơn, tránh lãng phí, dư thừa… . Cám viên nổi cho cá quả có 70% thức ăn giàu đạm động vật và 30% thức ăn từ đạm thực vật.
Cách cho cá quả ăn:
Trung bình nếu muốn tăng 1kg thịt, thì cần tiêu tốn 4 – 5kg cá rô phi cắt nhỏ hoặc 5 – 6kg thức ăn tự chế. Khẩu phần thức ăn cho cá quả sẽ thay đổi theo trọng lượng cơ thể như sau:
Kích cỡ cá giống (g/con) | Khẩu phần thức ăn (%) |
10 – 20 | 8 – 10 |
20 – 30 | 5 – 8 |
30 – 50 | 5 – 8 |
50 – 100 | 5 – 8 |
> 100 | 5 |
Cho cá ăn mỗi ngày 2 lần: sáng 7 – 8 giờ và chiều 16 – 17 giờ. Ngoài ép cám viên nổi, bà con có thể tham khảo một số cách tự tạo nguồn thức ăn cho cá như: nuôi cá chép làm cá mồi, nuôi cá rô phi làm cá mồi, nuôi ếch nhái, nuôi trùn và dòi, thu nhặt ốc bươu vàng.
Quản lý:
Cần thường xuyên tu bổ bờ ao, rào chắc chắn sau mỗi đợt mưa hoặc thời tiết nắng nóng kéo dài. Bởi nếu trong ao có quá nhiều nước hay dòng nước chảy ra ngoài quá mạnh thì cá sẽ nhảy ra ngoài.
Nên cho ăn với lượng thức ăn vừa đủ, tránh lãng phí và gây ô nhiễm. Lưu ý không nên cho các loại thức ăn ôi thiu. Vào những ngày nóng thì nên bơm nước bổ sung vào ao, bể. Nên thay nước định kỳ 10 ngày 1 lần và mỗi lần chỉ thay 1/3 – 1/2 nước, tránh cho cá bị sốc nước.
Nên bón vôi định kỳ 1 tháng 1 lần để cải tạo nguồn nước, với liều lượng 2-3kg/100m2. Điều chỉnh độ pH ở mức tốt nhất. Thường xuyên kiểm tra nồng độ khí độc NH3 và H2S, phải đảm bảo dưới 0,1mg/l. Bổ sung các vitamin và khoáng chất, kiểm tra tốc độ sinh trưởng của đàn cá theo định kỳ 15 ngày/lần.
Thu hoạch
Thả cá vào tháng 4 – 5 âm lịch nếu áp dụng đúng cách nuôi cá quả thì sau 4 – 6 tháng, đã bắt đầu có thể cho thu hoạch. Tùy thuộc vào kích cỡ giống và cách chăm sóc quản lý mà năng suất cũng khác nhau. Trung bình sẽ đạt từ 70 – 150 tấn/ha.
Phòng và trị bệnh
Tên bệnh | Dấu hiệu | Cách phòng trị |
Bệnh trắng da (mất nhớt) | Bệnh xuất hiện khi trên thân cá bị xây xát. Dấu hiệu bỏ ăn, hốc vây lưng xuất hiện màu trắng, lan nhanh. Bệnh nặng vết lở loét sâu, có thể chết. | – Tắm cho cá trước khi thả nuôi.
– Điều trị bằng Cyprocan 4g/kg thức ăn, ngày cho ăn 2 lần trong 5 ngày |
Bệnh đốm đỏ | Bơi lờ đờ trên mặt nước, có điểm xuất huyết trên thân, bụng cá trương to, ít ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn và vây đuôi bị rách. | Sử dụng Oxytetracycline: 2g + Vitamin C 3g/100kg cá. Trộn đều thuốc vào thức ăn, cho ăn 5 – 7 ngày. |
Bệnh đốm trắng | Do ký sinh trùng gây ra khiến cơ thể cá có đốm trắng | Dùng thuốc tím nồng độ 1g/m3 để phun xuống bể nuôi.
Dùng kháng sinh Gencin 100g/15kg trộn với thức ăn, cho ăn 5 ngày liên tục. |
Bệnh thối vây đuôi | Vây bụng, vây đuôi bị viêm nhiễm do cắn nhau hoặc vận chuyển, đánh bắt. | Có thể dùng dung dịch thuốc tím 1g/m3 để tắm cho cá.
Dùng kháng sinh Pantacin 200 với lượng 3mg/kg trộn với thức ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục. |
Bài viết trên là tất cả những kỹ thuật nuôi cá quả hiệu quả nhất mà Trại cá Tấn Dũng chia sẻ đến bạn. Hy vọng khi xem qua bài viết này, bà con có thể có thêm chút kiến thức để sử dụng trong việc chăn nuôi cá quả. Và nếu bà con đang có nhu cầu nuôi cá quả nhưng vẫn chưa tìm được nơi lấy giống cá uy tín thì hãy liên hệ ngay hotline: 86.999.7977 – 076.999.9295 nhé!